Đến Huế ghé thăm 7 làng nghề truyền thống lâu đời mang hơi thở Cố đô

14-03-2024
Trần Đăng Chấp

Làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của từng vùng miền nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Huế là một trong số ít nơi còn lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống từ ngàn đời xưa. Dưới đây là 7 làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời còn được lưu giữ ở xứ Huế.

1. Làng nghề nón lá Tây Hồ:

“Ai ra xứ Huế mộng mơ

Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.”

Nón lá là thứ quen thuộc gắn bó với người Việt từ thời xa xưa. Nón lá không chỉ dùng để che mưa, che nắng mà còn trở nên quen thuộc, gần gũi và đi khắp nẻo đường trong đời sống của người phụ nữ. Hình ảnh người con gái Huế trong tà áo dài thướt tha cùng với chiếc nón bài thơ làm cho bao người say đắm.

Làm nón lá là nghề được lưu giữ và bảo tồn suốt bao thế hệ ở xứ Huế. Nón lá Huế có nguồn gốc từ làng Tây Hồ ở Huế thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, có vị trí cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Đến với làng nghề Tây Hồ, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ kinh ngạc bởi vẻ đẹp sáng tạo và độc lạ của từng chiếc nón ở nơi đây. Làng nghề nón lá Tây Hồ không chỉ nổi tiếng về từng đường kim mũi chỉ, độ mỏng, chau chuốt mà còn những bức tranh và câu thơ đẹp lung linh.

Một chiếc nón lá đẹp thì không thể thiếu đó chính là nguyên liệu là lá gồi và lá dứa. Phải trải qua 15  giai đoạn mới hình thành chiếc nón lá như hái lá gồi và lá dứa trên đồi xuống, chọn lá, sấy lá, ủi lá, cắt lá, cắt chỉ, làm khung xây độn vành, chằm… Để làm nên những chiếc nón mang giá trị truyền thống như vậy. Người nghệ nhân cần có đôi bàn tay khéo léo để có thể đan đều, đẹp cho từng chiếc nón.

Những chiếc nón lá Huế được ra đời tình cờ theo năm tháng, làng nghề nón lá Tây Hồ – Huế vẫn trụ được qua thời gian. Bên cạnh đó, vẫn giữ được giá trị truyền thống chiếc nón lá Huế và giá trị văn hóa đất Việt nói riêng.

2. Làng nghề làm tranh làng Sình:

Nếu như vùng đất Bắc nổi danh với dòng tranh dân gian Đông Hồ hay tranh hàng Trống, thì miền Trung nổi tiếng với tranh làng Sình xứ Huế. Tranh làng Sình không chỉ chất chứa nét đẹp văn hóa làng xã xa xưa mà còn là biểu trưng cho nền văn hóa đặc sắc của cả xứ Huế mộng mơ, góp phần vào sự đa dạng, phong phú của dòng tranh dân gian của dân tộc.

Làng Sình là tên gọi chữ Nôm của làng Lại Ân, là một ngôi làng được hình thành khác sớm ở Đàng Trong. Làng Sình nằm cạnh phố cổ Bao Vinh bên bờ sông Hương thơ mộng. Làng Sình đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Tranh làng Sình không đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần đơn giản mà nó còn tượng trưng cho tín ngưỡng. Thường được dùng trong các lễ thờ, cúng tế, giải hạn…

Tranh làng Sình gồm 3 loại chính: 

– Tranh nhân vật: thường vẽ một người phụ nữ mặc xiêm y cùng 2 tùy hầu đứng 2 bên hay là tranh vẽ xiêm hình đàn bà, đàn ông, ông Đốc, ông Điệu, tờ bếp,…

– Tranh đồ vật làng Sình thường vẽ các thứ áo, tiền, dụng cụ để hóa cho người cõi âm như là quần áo, áo binh tiền,…

– Tranh súc vật cũng giống như 2 loại còn lại, hình vẽ các loại gia cầm, voi, tranh 12 con giáp để đốt cho người cõi âm.

Nguyên liệu để làm tranh chủ yếu được làm hoàn toàn thiên nhiên nên đặc điểm tranh làng Sình vẫn mang tính thủ công.

Mặc dù đã trải qua thời gian dài, tuy cũng bị mai một ít nhiều nhưng các nghệ nhân ở đây luôn mong muốn gìn giữ và duy trì làng nghề truyền thống này.

3. Làng nghề làm hương Thủy Xuân:

Làng nghề làm hương Thủy Xuân cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, nằm trên đường Huyền Trân công chúa, ẩn mình bên đồi Vọng Cảnh cùng dòng sông Hương thơ mộng. Tính đến hiện tại, Thủy Xuân đã có tuổi đơn hơn 700 niên đại. Nơi đây được xem là một trong các làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở Huế – Việt Nam.

Làng hương Thủy Xuân ngoài bán hương phục vụ cho nhu cầu của người Huế còn là một địa điểm thu hút du khách đến check in rất nhiều.  Hình ảnh đầu tiên thu hút ánh mắt của du khách khi đến với làng hương chính là những bó hương chụm lại tựa như những bó hoa rực rỡ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,… Những bó hương này xòe ra trong nắng và có hương trầm thơm dễ chịu mà không quá nồng nàn. Ngoài ra, khi đến đây du khách có thể tìm hiểu về các công đoạn làm hương theo phương pháp thủ công và tham gia trải nghiệm các công đoạn làm nên một que hương.

Dù trải qua sự thăng trầm của thời gian, người dân vẫn trung thành với phương pháp làm hương truyền thống thay vì dùng máy. Mặc dù vất vả nhưng chính sự yêu thích của những khách du lịch ghé thăm đã giúp họ có thêm phần động lực. Đây là điểm check in lý tưởng của du khách khi đến với du lịch Huế. 

Tham khảo Huế City tour khám phá làng Hương Thuỷ Xuân cực hótTham khảo Huế City tour khám phá làng Hương Thuỷ Xuân cực hót

4. Làng nghề đúc đồng phường Đúc:

Đúc đồng từ lâu đã là một trong các làng nghề truyền thống lâu đời của người Huế ở Việt Nam. Làng nghề đúc đồng Phường Đúc tọa lạc ở ven bờ Nam sông Hương (đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ), cách thành phố Huế 3km về phía Tây Nam.

Làng nghề Phường Đúc ở Huế có nguồn gốc chính xác từ tổ chức của những người thợ truyền thống cùng làm nghề đúc dưới thời Chúa Nguyễn. Chính vì lòng yêu nghề và cái tâm trong việc chế tác sản phẩm đã giữ cho làng nghề Phường Đúc tồn tại đến ngày nay. Làng nghề hiện nay còn 61 cơ sở sản xuất, trong đó Phường Đúc có 35 hộ, 01 hợp tác xã và 01 Doanh nghiệp Tư nhân; phường Thủy Xuân có 23 hộ, 01 hợp tác xã. 

Rất nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng Phường Đúc khi xưa đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại Nội (1659-1684), Chuông chùa Thiên Mụ (1710), Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu (1835-1804), Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn (1803-1804), Chuông chùa Diệu Đế (1846) và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội” ở Huế.

Các nghệ nhân hiện nay ở phường Phường Đúc và phường Thủy Xuân cũng rất tài hoa và khéo léo không kém gì ông cha đã cho thấy sự phát triển liên tục của làng nghề cũng như sự liên tục ở đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật của làng Đúc Huế. Đến với Huế, đừng quên ghé làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc để chiêm ngưỡng những kiệt tác được tạo nên từ bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.

5. Làng nghề mây tre đan Bao La:

Cách TP. Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, làng Bao La là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng được hình thành và phát triển trên 600 năm.

Làng nghề truyền thống này hình thành từ thời xa xưa. Cho đến thời của chúa Nguyễn trị vị thì mới thành lập thêm một làng Bao La mới. Làng này hiện nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cạnh bờ Nam của phá Tam Giang. Cả hai ngôi làng này đều làm chung một nghề thủ công đan lát với các sản phẩm cực kỳ đơn giản nhưng công phu. Cụ thể như: rổ, rá sàng, chõng tre, nôi trẻ em, dần, giường ngủ,… Tất cả đều được làm bằng chủ yếu vật liệu mây và tre.

Ngày nay, vì nhu cầu đa dạng và phát triển hơn. Cuộc sống hiện đại nên các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa. Cũng vì đó mà làng nghề đan lát Bao La cũng gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh. Mặc dù vậy, với bàn tay khéo léo và sự tài hoa của mình. Những người dân nơi đây đã sáng tạo thêm rất nhiều loại sản phẩm độc đáo hơn. Ví dụ như: giá sách, giá treo đèn, đèn treo trang trí, lẵng cắm hoa,….

Tham khảo chương trình du lịch Huế khám phá làng nghề đan lát Bao La tại đây!Tham khảo chương trình du lịch Huế khám phá làng nghề đan lát Bao La tại đây!

6. Làng nghề gốm cổ Phước Tích:

Làng cổ Phước Tích nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 45km về phía Bắc, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Làng nằm lặng lẽ bên bờ sông Ô Lâu, địa phận chia cắt tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị. 

Làng cổ Phước Tích đã tồn tại hơn 500 năm, mặc dù đã trải qua những năm tháng chiến tranh cũng như sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, những ngôi làng gần như vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và mộc mạc. 

Làng cổ Phước Tích - ngôi làng mang nét xưa cũ hơn 500 năm

Phước Tích được biết đến là một trong các làng nghề có sản phẩm gốm cổ truyền thống nhất ở Huế. Gốm ở Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền, bón mịn và tinh xảo. Tất cả các sản phẩm gốm đều được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa.

Ngày xưa, sản phẩm gốm Phước Tích thường sẽ được cống nạp cho các triều đại ở nhà Nguyễn để nấu cơm cho Vua ăn. Còn ở hiện tại, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong mọi nơi ở cuộc sống của người dân. Các sản phẩm truyền thống đặc sắc nhất của làng nghề gốm Phước Tích như lu, ghè, chum, thạp, om, thống, tu huýt, bùng binh,….

Làng gốm Phước Tích - những dấu vết thời gian

Nét nổi bật nhất làm nên thương hiệu cho sản phẩm gốm của Phước Tích chính là điêu khắc và chạm trổ. Với những đôi bàn tay tài hoa, người nghệ nhân đã chế tác trên sản phẩm muôn vàn hình dạng làm đậm nét văn hóa dân gian và bản sắc của làng quê xứ Huế.

7. Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên:

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên  Huế nằm ở hạ lưu Sông Hương, cách trung tâm Huế 10km. Làng có hơn 300 năm truyền thống sản xuất hoa giấy ngũ sắc và hoa sen giấy. Hoa Giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian và tôn sùng đức Vua và các giá trị đạo Khổng.

Hoa giấy Thanh Tiên ở xứ Huế khác biệt so với hoa giấy ở các nơi khác ở chỗ có triết lý Nho học phương Đông trong mỗi bông hoa. Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho quân – sư – phụ, cũng có thể là thiên – địa – nhân hoặc trung – hiếu – nghĩa. Trong bó hoa luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời hoặc đấng minh quân. Hoa giấy Thanh Tiên còn đẹp và khác biệt ở cách nhuộm màu. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền nên hoa giữ được màu sắc lâu bền.

Hoa sen giấy Thanh Tiên - loài hoa báo xuân của người dân xứ Huế

Đến làng hoa giấy Thanh Tiên, bạn sẽ không khỏi bất ngờ trước sắc màu và sự sống động như thật của những bình hoa giấy. Nổi bật nhất chính là hoa lan, hoa mai, hoa cúc,…. Trong số đó, hoa sen được làm vô cùng xinh đẹp và thể hiện được đặc trưng của loài quốc hoa Việt Nam. Với sự tỉ mỉ trong từng khâu chế tác như vậy. Làng hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một “đại sứ thương hiệu”.

Du khách đến với làng nghề hoa giấy Thanh Tiên ngoài việc chiêm ngưỡng còn có thể tự mình trải nghiệm cảm giác tự tay làm hoa giấy Thanh Tiên trong vòng 40 tới 60 phút. Làng hoa giấy Thanh Tiên chính là nơi tôn vinh nghề truyền thống, nơi bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa làng nghề độc đáo ở xứ Huế.

Cho đến hiện nay, các làng nghề ở Huế vẫn được duy trì và phát triển qua bao thế hệ. Góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nếu có dịp đến Huế mà không ghé thăm một trong số những làng nghề này là một thiếu sót rất lớn trong chuyến đi của bạn đấy nhé.