Điện Thái Hòa: Dấu ấn vàng son triều Nguyễn
Điện Thái Hòa - “trái tim” Hoành Thành của mảnh đất Cố đô. Là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất Đại Nội Huế cũng là nơi “chứng kiến” lễ đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, từ thời vua Gia Long tới vua Bảo Đại.
Điện Thái Hòa nằm trong quần thể di tích Đại Nội Huế (Nguồn: Sưu tầm)
Không chỉ vậy những đại lễ, các cuộc họp đại triều cũng được tổ chức tại đây. Nhuốm màu lịch sử hơn 200 năm, ngày nay, Điện Thái Hòa đã trở thành điểm du lịch di tích vô cùng hấp dẫn khiến nhiều du khách mong muốn ghé thăm.
1. Giới thiệu sơ nét về Điện Thái Hoà
Điện Thái Hòa là công trình có giá trị văn hóa lịch sử nổi bật tại Huế (Nguồn: Nguyễn T.A Phong)
Điện Thái Hòa nằm trong khuôn viên rộng lớn của Đại Nội Huế tọa lạc trên con đường Hai Mươi Ba Tháng Tám thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế. Nằm ngay trong trung tâm TP nên việc di chuyển đến đây rất thuận tiện với đa dạng các loại phương tiện như xe máy, ô tô, xe buýt, xích lô,...để du khách thoải mái lựa chọn. Du khách nhớ kết hợp tham quan thêm các di tích khác như Kỳ Đài, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình,...để có chuyến đi trọn vẹn hơn.
2. Lịch sử về Điện Thái Hoà
Khu vực điện Thái Hòa - Hoàng Thành Huế (Nguồn: The Hue of Hue)
Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng ngày 21 tháng 2 năm 1805 và đến tháng 10 hoàn thành. Lúc bấy giờ Điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía Tây Bắc. Tháng 3 năm 1833 được Vua Minh Mạng cho di dời về phía Nam trong khi quy hoạch và hoàn chỉnh lại hệ thống kiến trúc ở Đại Nội. Cho đến ngày nay, Điện Thái Hòa đã trải qua nhiều lần tu bổ để có được diện mạo nguy nga, tráng lệ như bây giờ. Tên gọi của Điện Thái Hòa cũng mang nhiều giá trị và ý nghĩa sâu sắc, được lấy gốc từ Kinh Dịch với chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là âm dương hội hợp, dung hòa và mang ý nghĩa là Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ được sự hòa hợp, cân bằng tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
3. Kiến trúc Điện Thái Hoà có gì đặc sắc
3.1 Kiến trúc được thiết kế theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc”
Chiêm ngưỡng lối kiến trúc được thiết kế theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” (Nguồn: The Hue of Hue)
khi bước vào Điện Thái Hòa du khách sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc được thiết kế theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” vô cùng độc đáo. Không những sở hữu diện tích rộng lớn lên đến 1.360m2 với phần nền điện được xây cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1m và cao hơn mặt đất 2,35m mà còn có bố cục kiến trúc được phân bổ theo phong cách riêng với tiền điện (tiền doanh) bảy gian hai chái nằm phía trước, chính điện (chính doanh) năm gian hai chái nằm phía sau và được nối lại với nhau bằng hệ thống mái thừa lưu (mái vỏ cua) tạo nên một tổng thể hoàn hảo để lại ấn tượng cho du khách.
3.2 Hệ thống sườn nhà được làm chủ yếu bằng gỗ lim
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp xa hoa của hệ thống sườn nhà trong Điện Thái Hòa (Nguồn: Sưu tầm)
Tiến vào bên trong du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp xa hoa của hệ thống sườn nhà trong Điện Thái Hòa. Làm hoàn toàn bằng gỗ lim với 80 cột đều được sơn vẽ rồng thếp vàng uốn lượn vừa mền mại vừa công phu, tỉ mỉ tạo nên dáng vẻ hoa lệ. Giữa khu vực tiền điện gần trên mái có treo một tấm biển rất lớn sơn son thếp vàng với ba chữ “Thái Hòa Điện”, bên cạnh có hàng chữ nhỏ ghi năm xây dựng đầu tiên 1805, năm làm lại 1883 và năm đại tu 1923. Khi đi vào phía trong cùng, ở gian giữa chính điện du khách sẽ thấy ngai vua ba tầng bệ gỗ, bên trên treo bửu tán bằng pháp lam ngũ sắc trang trí chín con rồng. Cả ngai và bửu tán đều được thếp vàng chói lọi rực rỡ. Nếu để ý du khách sẽ thấy các tuồng gỗ ở nhà trước đều được soi chỉ, chạm khắc và sơn thếp rất tinh xảo, ngoài ra, ở mỗi căn trên trần gỗ đều được treo lồng đèn trang trí rất đẹp như đang tô điểm thêm vẻ xa hoa cho ngôi Điện.
4. Giá vé tham quan và một vài lưu ý khi đến đây
4.1 Giá vé tham quan
Về giá vé tham quan Điện Thái Hòa được quy định như sau:
- Đối với khách du lịch Việt Nam là 150.000 VND/ người lớn và 30.000 VND/ trẻ em.
- Đối với du khách quốc tế, giá vé là 200.000 VND/ người lớn và 40.000 VND/ trẻ em.
Khu vực ngai vàng điện Thái Hoà (Nguồn: The Hue of Hue)
Về giờ mở cửa Điện thường đón khách tham quan từ 6h30 đến 17h hằng ngày, tuy nhiên, thời gian này có thể thay đổi theo mùa và chính sách của ban quản lý nên khi muốn đến đây du khách hãy tham khảo trên trang web chính thức của Sở Du lịch và Di sản văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm bắt thông tin cụ thể và có một chuyến đi tuyệt vời.
Lưu ý rằng: Đây là giá vé để tham quan Đại Nội thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế bạn nhé! Vì thế, bạn sẽ không chỉ được tham quan điện Thái Hòa mà còn được chiêm ngưỡng lối kiến trúc khác nhau của các khu vực Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Hoàng Thành Huế, Duyệt Thị Đường…
4.2 Lưu ý về trang phục
Vì Điện Thái Hòa là một cung điện uy nghiêm, tráng lệ, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kiến trúc cung đình và cũng là một công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế nên khi đến đây du khách nên chú ý lựa chọn trang phục phù hợp, tuân thủ quy định và cần phải giữ vệ sinh chung để giữ gìn không gian chung sạch đẹp.
Nên chú ý lựa chọn trang phục phù hợp, tuân thủ quy định khi đến đây nhé! (Nguồn: Sưu tầm)
Điện Thái Hòa không chỉ là một trong những công trình kiến trúc mang dấu ấn hoàng cung đặc sắc của Cố đô Huế mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ theo hình thức trang trí nhất thi nhất họa vừa độc đáo vừa đặc sắc. Giờ đây đã trở thành điểm du lịch tham quan nức tiếng Hoàng Thành để lại những ký ức khó phai trong lòng du khách. Nếu có dự định du lịch Huế thì còn gì ngần ngại nữa mà không thêm Điện Thái Hòa vào hành trình du lịch Huế của bạn để thỏa sức khám phá vẻ đẹp nơi đây.