Kinh nghiệm du lịch Làng Sình - Hơn 400 năm với nghề tranh dân gian nổi tiếng xứ Huế
Khám phá Làng nghề truyền thống Tranh làng Sình Huế là trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn và mới mẻ dành cho các tín đồ đam mê xê dịch. Cùng bỏ túi tất tần tật kinh nghiệm du lịch làng Sình ngay nhé!
Làng Sình là địa điểm du lịch mới lạ thu hút rất nhiều du khách (Ảnh: Hương River Services)
Làng Sình Huế là điểm đến vô cùng hấp dẫn trong chuyến hành trình du lịch Huế. Ngôi làng này đã tồn tại từ thế kỷ XV. Làng Sình nổi tiếng với làng nghề làm tranh cổ truyền và lễ hội vật. Tranh làng Sình - dòng tranh thờ cúng với hơn 400 năm tuổi là di sản văn hóa cần được gìn giữ của dân tộc Việt Nam.
Chương trình khám phá Huế 1/2 ngày với giá hấp dẫn.
1. Làng Sình Huế ở đâu?
Làng Sình là một địa điểm mới lạ, độc đáo trong bản đồ du lịch Huế. Ngôi làng nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km. Làng nằm ở ven sông Hương và ngay cạnh ngã ba sông - nơi sông Hương hợp lưu với sông Bồ trước khi chảy xuôi về phía phá Tam Giang.
- Địa chỉ: thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Làng tranh nổi tiếng nằm bên bờ sông Hương thơ mộng (Ảnh: Hương River Services)
2. Lịch sử làng Sình Huế
Làng Sình là địa điểm du lịch Huế nằm ven bờ sông Hương. Làng Sình là tên Nôm của làng Lại Ân - một trong những ngôi làng xuất hiện rất sớm ở Đàng Trong. Đối diện làng Lại Ân là cảng sông Thanh Hà và phố cổ Bao Vinh nổi tiếng một thời. Từ thế kỷ XV, người dân các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đến đây và lập ra ngôi làng Lại Ân này.
Phố cổ Bao Vinh nằm đối diện làng Lại Ân (Ảnh: Minh Kiệt)
Nơi đây là trung tâm buôn bán sầm uất và trung tâm văn hóa thời xưa tại mảnh đất cố đô. Khung cảnh mua bán tấp nập tại làng Lại Ân được Dương Văn An nhắc đến trong câu: “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh”. Hay trong một câu thơ khác: “Xóm Lại Ân canh gà xào xạc - Giục khách thương mua một bán mười”.
Làng Sình ở Huế có nghề truyền thống gì? Đây là làng nghề làm tranh mộc bản cổ truyền để thờ cúng và phục vụ cho các nhu cầu tín ngưỡng, cầu an, giải hạn. Tranh Sình có khoảng 50 đề tài, chủ yếu phản ánh cảnh sinh hoạt xã hội và các tín ngưỡng cổ xưa. Tại làng Sình còn có lễ hội vật cực kỳ nổi tiếng và nghề làm hạt bỏng, nghề làm hương.
Nghệ nhân Hữu Phước đang chế tác ra các bản khắc để làm tranh Sình (Ảnh: Sưu tầm)
3. Hướng dẫn đường đi đến làng Sình Huế
Đường đi từ trung tâm thành phố Huế đến làng Sình dài khoảng 10 km. Bạn sẽ mất gần 20 phút di chuyển. Cung đường để đi đến làng Sình:
Làng Sình Huế map
- Từ thành phố Huế, bạn cần đi về phía Bắc ra đường Hoàng Hoa Thám
- Rẽ phải vào đường Lê Lợi, tiếp tục đi thẳng qua cầu Đập Đá
- Đi thẳng vào đường Nguyễn Sinh Cung thêm 2km rồi rẽ phải vào đường tỉnh 10A
- Tiếp tục đi chếch về phía trái, theo đường Nguyễn Sinh Cung, rẽ trái tại đường tỉnh 2
- Đi dọc theo đường tỉnh 2 khoảng 3.3 km là đến ngôi làng Sình
4. Làng Sình Huế có gì hấp dẫn?
4.1. Tìm hiểu nghề làm tranh làng Sình Huế
Đến làng Sình, bạn sẽ được khám phá các nét đặc trưng của một bức tranh từ mộc bản qua lời kể của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước - người cuối cùng nắm giữ bí quyết làm tranh làng Sình. Loại tranh dân gian này được dùng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Tranh từ mộc bản thường có trong các dịp lễ tết hoặc cúng bái. Sau khi cúng xong thì tranh sẽ được đem đi đốt để hóa cho tổ tiên.
Tranh Sình được in trên các khổ giấy dó. Các khuôn mộc bản được làm từ gỗ mít, gỗ thị hoặc gỗ kền để tạo được đường nét rõ nhất. Sau khi in xong thì sẽ tiếp tục tô lại bằng màu được điều chế từ màu lá cây, tro, gạch, vỏ sò…
Du khách tìm hiểu về tranh Sình (Ảnh: Hương River Services)
4.2. Tự tay tạo nên những bức tranh độc đáo
Ngoài tìm hiểu về làng nghề làm tranh dân gian từ mộc bản, du khách còn được thử sức tự tay làm ra một bức tranh độc đáo của riêng mình. Bạn sẽ dùng dùng mực màu đen phết lên bản mộc, dùng giấy dó in lên và đem phơi tranh cho khô mực. Sau đó, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn bạn dùng các loại màu tô lên tranh.
Đây là trải nghiệm độc đáo được rất nhiều du khách thích thú, đặc biệt là du khách nước ngoài. Hoạt động này góp phần quảng bá du lịch, giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống.
Du khách có thể tự tay tạo ra một bức tranh Sình độc lạ (Ảnh: Sưu tầm)
4.3. Tham gia lễ hội vật làng Sình Huế sôi động
Cứ đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân xã Phú Mậu lại gióng trống mở cờ để tổ chức lễ hội vật làng Sình. Đây là nét đẹp văn hóa đã tồn tại hơn 400 năm qua, từ thời chúa Nguyễn. Ngày hội này thu hút đông đảo du khách về tham dự. Truyền thống đẹp đẽ, giàu tinh thần thượng võ này giúp kích thích việc rèn luyện sức khỏe và lòng dũng cảm, mưu trí của người trẻ.
Lễ hội vật ở làng Sình Huế thường chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần chính: phần lễ, phần hội. Ở phần lễ, các cụ trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng ở đình làng Lại Ân. Ở phần hội, các đô vật được phân chia theo lứa tuổi, thắng 3 trận sẽ vào vòng chung kết. Người tham gia đấu vật không nhất thiết phải là người địa phương mà du khách cũng có thể đăng ký đấu vật.
Lễ hội vật thường thu hút rất nhiều người (Ảnh: VnExpress)
5. Khám phá ẩm thực làng Sình Huế
Làng Sình Huế là địa điểm du lịch nổi tiếng nên xung quanh có nhiều hàng quán phục vụ ăn uống. Du khách có thể tìm thấy nhiều món ăn đặc sản ngon ngất ngây như bánh ép, cơm hến, bánh bột lọc, bún bò Huế...
Khu du lịch làng Sình Huế đang là địa điểm du lịch mới lạ, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đến với làng Sình, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp văn hóa của một làng nghề truyền thống làm tranh dân gian, tự tay tạo ra một bức tranh từ mộc bản và thưởng thức thiên đường ẩm thực xứ Huế. Du lịch làng Sình chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo.
Chương trình khám phá Huế 1/2 ngày với giá hấp dẫn.